Sáng 23-4, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố hoá chất phối hợp nhiều lực lượng tại Công ty cổ phần Tôn Đông Á (Khu công nghiệp Đồng An 2, TP.Thủ Dầu Một).
Tham dự buổi diễn tập có ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hoá chất, Bộ Công Thương; Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm - Phó Tư lệnh Quân khu 7 cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo Sở Công Thương 11 tỉnh, thành bạn.
Các lực lượng đã diễn tập theo tình huống giả định: Vào lúc 08h00 ngày 23/4/2022, tại bồn chứa Amoniac (NH3) của Công ty cổ phần Tôn Đông Á đã xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất NH3 từ bồn chứa 10m3 và xe bồn tại khu vực bồn chứa trong quá trình nhập hóa chất, NH3 thoát ra môi trường lượng lớn, tạo ra vùng nhiễm độc nguy hiểm. Khí NH3 thoát ra rất mạnh dạng lỏng kèm hơi bốc cao. NH3 tràn ra khu vực đê bao, với diện tích bề mặt thoáng lớn, hơi NH3 có nguy cơ phát tán mạnh, gây mùi khó chịu, lan sang khu vực xung quanh, các công ty lân cận, nguy cơ ảnh hưởng trên diện tích rộng theo hướng gió nếu không được ngăn chặn kịp thời.
NH3 là hợp chất không màu dễ bay hơi và có khả năng chuyển sang thể khí ở điều kiện bình thường, có mùi
khai, sốc, khó ngửi, tan nhiều trong nước. Hít thở phải
NH3 có thể gây ra kích ứng mắt và niêm mạc mắt, làm chảy nước mắt, đau đầu, cảm giác nóng trong cổ họng và khó thở
, có thể gây ngất xỉu và tử vong khi hít phải một lượng lớn.Phương án thực tập được tổ chức làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Phát hiện sự cố và thông báo; giai đoạn 2: Nhà máy triển khai lực lượng ứng phó tại chỗ; giai đoạn 3: Huy động các lực lượng bên ngoài tham gia cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố hóa chất; giai đoạn 4: Sự cố được khống chế, phục hồi trạng thái ban đầu.
Phát biểu tại buổi diễn tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh, hóa chất đã đóng góp nhiều lợi ích và tác dụng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nếu không được quản lý, bảo quản và sử dụng đúng cách, đúng mục đích, hóa chất có thể gây ra những vụ tai nạn, sự cố có hậu quả nghiêm trọng về con người và tài sản. Để giảm thiểu những tai nạn, sự cố kể trên thì vai trò của việc vận hành cơ chế phối hợp tổ chức ứng phó sự cố hoá chất kịp thời, hiệu quả của các lực lượng là hết sức quan trọng. Ông đánh giá cao kết quả công tác diễn tập; biểu dương các tập thể, cá nhân đã tích cực, nhiệt tình, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông đề nghị Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo tăng cường tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất; chú trọng chọn diễn tập những cơ sở sản xuất, sử dụng hóa chất với trữ lượng lớn, có nguy cơ cao xảy ra sự cố hóa chất. Đồng thời, rà soát, tham mưu mua sắm các trang thiết bị, phương tiện, vật tư để trang bị tăng cường cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó sự cố hóa chất để đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ khi có các tình huống phức tạp xảy ra.
Các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất sâu rộng trong nhân dân, doanh nghiệp để chủ động phòng ngừa và ứng phó tích cực đối với các sự cố xảy ra.